Sở Công Thương TPHCM đã đề xuất lên UBND Thành Phố để thay thế toàn bộ 195.800 bóng đèn trên địa bàn toàn thành phố bằng đèn đường LED giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay đa số bóng đèn trên địa bàn được người dân tự lắp đặt và đấu nối trực tiếp với hệ thống điện điện dẫn đến các mối lo về cháy nổ, chạm chập, rò rỉ điện, ngoài ra chúng còn có thể mất mỹ quan và thất thu điện năng.
Theo Sở Công Thương TP.HCM hiện nay bóng đèn dân lập chủ yếu là đèn huỳnh quang ống dài 1,2m hoặc bóng compact tiết kiệm điện; một số hẻm sử dụng các loại đèn HPS công suất 70W, 100W, 150W… dẫn tới tình trạng lãng phí điện năng, không phù hợp về mặt kỹ thuật chiếu sáng. Chương trình này sẽ từng bước thay mới bóng đèn dân lập trên địa bàn TP.HCM và chuyển sang sử dụng bóng đèn Led loại 40W, với khoảng cách các bóng đèn là 20 mét mỗi bóng, cao 6 mét.
Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC HCMC) ước tính hệ thống chiếu sáng của thành phố tiêu thụ hơn 162 triệu kWh điện/năm (trong đó chiếu sáng công cộng khoảng 90 triệu kWh điện) với chi phí chi trả tiền điện hơn 130 tỉ đồng/năm. Do vậy nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn bằng đèn LED (công suất 65-200 W), TP.HCM sẽ tiết kiệm được hơn 55,3 triệu kWh điện/năm, tương đương khoảng 88 tỉ đồng, đồng thời cắt giảm được lượng lớn khoảng 31 tấn khí CO2 vào môi trường mỗi năm.
Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TPHCM trước đây, tổng chi phí thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu (sodium cao áp – HPS) thành đèn LED trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 1.300 tỉ đồng. Trường hợp giao lại cho UBND 24 quận huyện làm chủ đầu tư dự án này thì có 5 phương án thực hiện như: xã hội hóa hoặc nhà nước đầu tư 100%, nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước và doanh nghiệp cùng làm…
Dự kiến thành phố sẽ tổ chức đầu tư thí điểm hệ thống đèn LED dân lập trên địa bàn một quận (đề xuất chọn quận 5) để đánh giá hiệu quả, làm cơ sở nhân rộng chương trình.